CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ THAM GIA SẢN XUẤT, XÂY DỰNG KINH TẾ CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ: là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, cùng với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, những chiến sĩ của Đội đã phải lao động sản xuất để nuôi sống chính mình và vận động quần chúng nhân dân làm cách mạng. Tiếp theo đó, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân đội ta tiếp tục phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp đó.

Khi bàn về vai trò của Quân đội đối với kinh tế, C.Mác đã chỉ rõ: “Lịch sử quân đội xác nhận một cách rõ ràng hơn hết sự đúng đắn quan điểm của chúng ta về mối liên hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội. Nói chung, quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”. Quán triệt quan điểm trên của C.Mác, ngay từ những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, V.I.Lênin đã quan tâm đến sử dụng quân đội vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế. V.I.Lênin chỉ rõ: “Cần phải tập trung toàn lực vào nhiệm vụ đó, cần phải tung vào những quỹ đạo mới đó toàn bộ lực lượng quân sự đã biểu lộ rõ tác dụng của mình trong việc xây dựng quân sự. Đó là tình hình đặc thù, là bước quá độ đặc thù khiến chúng ta nghĩ đến việc tổ chức các đội quân lao động…”. Trong điều kiện cụ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói chuyện về vai trò của bộ đội trong tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế. Ngày 20 tháng 3 năm 1947, để làm cho toàn dân, toàn quân hiểu được đời sống mới trong kháng chiến, Bác đã viết bài “Đời sống mới”, xác định nhiệm vụ và những hình thức tăng gia, lao động sản xuất cụ thể của các lực lượng quân đội: “Năm là bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất. Cố nhiên những bộ đội ở trước mặt trận, phải luôn luôn lo việc đánh giặc, không có thì giờ đâu mà làm việc khác. Song những bộ đội ở hậu phương thì cần làm, và quyết làm được. Tùy theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả mọi việc”. Một sự kiện đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội được gắn với Nghị định số 30/NĐ, ngày 23/8/1956 của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Cục Nông binh để làm tham mưu giúp Bộ quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Từ đó, ngày 23/8 được lấy làm Ngày truyền thống Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ THAM GIA SẢN XUẤT, XÂY DỰNG KINH TẾ CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.