Chống phá bầu cử Quốc hội – những luận điệu cũ nát
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020 sắp diễn ra là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cùng với thành công đại hội đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong khi nhân dân cả nước, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn đang phấn khởi, háo hức chờ ngày hội lớn; để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; thể hiện trách nhiệm chính trị với quốc gia, dân tộc thì các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, lại tỏ rõ thái độ hằn học, chống đối; xem đây là “cơ hội vàng” để chống phá, với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc.
Phong trào “tự ứng cử” đại biểu Quốc hội. Với luận điệu “cũ nát”, chúng cho rằng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đề cử chỉ là “độc quyền của Đảng” và các tổ chức “nối dài” của họ. Ngoài “vài” người được Đảng lựa chọn “ngầm”, hầu hết những người tự ứng cử bị loại bỏ một cách “không thương tiếc”. Từ đó, chúng ra sức “kêu gọi” các nhà “dân chủ” hãy “tự ứng cử”, nhằm thúc đẩy việc “thực thi dân quyền”. Để thực hiện phong trào này, chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương gây khó khăn, cản trở, phối hợp để loại bỏ “những người tự ứng cử”. Đồng thời, chúng tán phát nhiều tài liệu như “Tuyên bố số 9 về quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội của công dân”, “Tự ứng cử trong chế độ toàn trị”… hòng kích động, cổ súy cho quyền tự ứng cử của một số phần tử cơ hội, bất mãn, tạo ra lực lượng đối trọng trong Quốc hội và hô hào “ký tên” ảo tung hô, ủng hộ cho người này, người kia… Rõ ràng, việc kêu gọi “tự ứng cử” của các “nhà dân chủ” không nhằm tham gia cuộc bầu cử với ý thức trách nhiệm của một công dân, mà chỉ với một mục tiêu duy nhất là gây rối, phá hoại cuộc bầu cử. Chính luận điệu của chúng đã tự phơi bày thủ đoạn này: Tự ứng cử là nhằm “Thực thi quyền ứng cử của mình, để phá bỏ “các thủ tục”, “mưu mẹo phi dân chủ” được thiết kế trong các khâu của quy định hiện hành như Hội nghị cử tri…”. Thực tế, những cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước đây ở nước ta cho thấy, đã có những người tự ứng cử trúng cử khi họ có đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm và đã được cử tri tin tưởng lựa chọn. Và hiện nay, sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, ở nhiều địa phương đã có những người tự ứng cử, đủ tiêu chuẩn được đưa vào danh sách bầu đại biểu quốc hội. Thực tế đó là minh chứng cụ thể, rõ nét về tính khách quan, minh bạch, dân chủ trong cơ chế bầu cử, đánh bại phong trào “tự ứng cử” của bè lũ “dân chủ dởm.”
Sau thất bại của cái gọi là phong trào “tự ứng cử”, bọn chúng quay ra kêu gọi tẩy chay bầu cử. Ngày bầu cử đang đến gần. Sau những âm mưu bất thành, các “nhà dân chủ” đang ra sức “kêu gào” tẩy chay bầu cử. Vẫn những lời lẽ “thảm thiết” theo lối mòn, chúng rêu rao: “Bầu cử ở Việt Nam chính ra là một màn kịch vĩ đại mà đảng cộng sản bắt nhân dân đóng vai diễn viên quần chúng đi qua đi lại trên đường để làm cho thước phim tuyên truyền càng thêm vui nhộn”. Và, “Không bao giờ bức thiết hơn lúc này, tẩy chay bầu cử được coi là lương tâm công chính và thái độ dứt khoát chân thật.” Thủ đoạn này chẳng có gì mới, bởi nó được lặp đi lặp lại qua những cuộc bầu cử trước đây ở nước ta. Nhắc lại câu chuyện lịch sử, ngay tại cuộc bầu cử đầu tiên của đất nước, bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách kêu gọi công dân tẩy chay bầu cử, gây sức ép đòi 80 ghế trong Quốc hội. Đảng ta đã lãnh đạo tuyên truyền, giải thích, vạch trần bộ mặt phá hoại của bọn phản động và kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân. Vượt lên muôn vàn khó khăn của thù trong, giặc ngoài, với những âm mưu đen tối của các thế lực phản động, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công, một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam.
Lần này, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; chúng ta có một hệ thống thiết chế pháp luật phục vụ cho công tác bầu cử hoàn thiện nhất trong lịch sử 70 năm của Quốc hội nước ta. Hệ thống pháp luật ấy bao gồm: Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015… Gần đây nhất, ngày 4/1/2016, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo cần bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Đặc biệt, đây là kỳ bầu cử đầu tiên nước ta có Hội đồng bầu cử quốc gia – một thiết chế độc lập nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân. Cùng với đó, công tác chuẩn bị bầu cử, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đang tích cực được triển khai ở các địa phương, vùng, miền trong cả nước. Không khí của ngày hội lớn đã tưng bừng, rộn rã khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là tiền đề vững chắc để chúng ta tiến hành thành công cuộc bầu cử sắp tới, đập tan âm mưu, thủ đoạn “tẩy chay bầu cử” của bè lũ dân chủ, phản động.
Để cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 thành công tốt đẹp, mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao nhận thức chính trị, thể hiện trách nhiệm công dân với vận mệnh quốc gia dân tộc bằng những việc làm cụ thể. Đồng thời, nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại những thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, hòng phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị./.
Cuộc bầu cử ngày 22/5/2016 đã chứng tỏ cử tri ở khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo, đã được hưởng quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ công dân, đặt trọn niềm tin và gửi gắm hy vọng vào các đại biểu nhân dân.Có thể nói cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công. Ngày Hội của toàn dân đã vẹn tròn.