Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ là cuộc bầu cử thật sự dân chủ
Hôm nay, ngày 22 tháng 5 năm 2016, nhân dân cả nước ta tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cuộc bầu cử này bằng những thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt. Họ đưa ra những nhận định sai lệch, hòng gây sự hiểu lầm, hoài nghi, phân vân trong đảng viên, cán bộ, nhân dân về bản chất và phương thức tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta; từ đó kêu gọi “tẩy chay” hoặc dùng lá phiếu bầu để thực hiện mưu đồ chính trị của chúng. Những hành động đó đã đi ngược lại xu thế phát triển của đất nước.
Cần hiểu rằng, ở nước ta, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp, quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy Nhà nước. Các đại biểu Quốc hội là những người có đức, có tài, được nhân dân tín nhiệm bầu ra; thực sự đại diện cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tham gia các hoạt động theo sự phân công, bảo đảm cho Quốc hội thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta từ trước tới nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai; mọi công dân có quyền ứng cử và bầu cử theo luật định.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định quy trình 3 lần hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có thẩm quyền chủ trì. Trong quá trình hiệp thương, để xác định danh sách chính thức những người ứng cử, nhân dân có quyền phát hiện, phản ánh những vấn đề liên quan đến năng lực, phẩm chất, lối sống, đạo đức của các ứng cử viên. Với tính chất và quy trình hiệp thương như vậy, không chỉ các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước mà tất cả các tổ chức khác trong xã hội và nhân dân đều có cơ hội lựa chọn, giới thiệu những người đủ đức, đủ tài, có điều kiện, khả năng thực hiện nhiệm vụ đại biểu của nhân dân. Đó là một bước tiến mới trong thực thi quyền dân chủ ở nước ta.
Trong bầu cử đại biểu Quốc hội, việc xác định cơ cấu và thành phần đại biểu là hoàn toàn cần thiết và cũng là một điều kiện để phát huy dân chủ. Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; đồng thời là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội phải có cơ cấu hợp lý nhằm bảo đảm sự cân đối, hài hòa về nhân sự, trong đó có đại biểu của các dân tộc thiểu số, đại biểu tôn giáo và đại biểu nữ; đại biểu xuất thân từ giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và doanh nhân; đại biểu là người đang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, vv
Việc xác định cơ cấu đại biểu Quốc hội là phù hợp với vị trí, vai trò và hiệu lực hoạt động của Quốc hội; đương nhiên phải qua hiệp thương, có sự đồng thuận của các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận. Mặt khác, cùng với việc bảo đảm cơ cấu đại biểu, khi giới thiệu các ứng cử viên vẫn phải trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo luật định, không có ngoại lệ.
Dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội còn được thể hiện ở Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Đồng thời, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% là nữ. Điều đó bác bỏ luận điệu cho rằng, ở Việt Nam bầu cử diễn ra thiếu dân chủ, người dân không có quyền lựa chọn đại biểu, đề đạt chính kiến của mình.
Nước ta là nước dân chủ, mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhận thức đúng về dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội và rộng hơn là dân chủ xã hội chủ nghĩa là một vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi mỗi người, đặc biệt là đảng viên, cán bộ phải có sự phân tích, nhìn nhận đúng đắn bằng tư duy biện chứng, lịch sử và cụ thể.
Thành quả cách mạng hơn 70 năm qua của nhân dân ta đã khẳng định bản chất tốt đẹp không thể phủ nhận của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và những bước tiến vượt bậc về dân chủ ở nước ta, nền dân chủ hơn triệu lần chủ nghĩa tư bản. Từ thành công của cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp hôm nay, mỗi người Việt Nam càng thêm tự hào về Tổ quốc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.
Ngày hôm qua, cử tri cả nước đã nô nức tham gia vào một ngày hội trọng đại. Họ đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong lựa chọn những đại biểu sẽ đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của họ trong bộ máy nhà nước. Qua đấy càng chứng tỏ rằng, cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ. Những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động về cuộc bầu cử là hoàn toàn bịa đặt, vu khống.
Tiến trình bầu cử Quốc hội ở Việt Nam tuân thủ một quy trình chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, khách quan, với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Mỗi bước trong tiến trình đó, các tổ chức và cá nhân có liên quan phải hoàn thành trách nhiệm theo luật định. Người dân trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình, giám sát chặt chẽ mọi quy trình bầu cử. Do đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là cuộc bầu cử thật sự dân chủ.