Một số nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng
Ngày 12-6-2018, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật an ninh mạng. Luật này bao gồm 07 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật an ninh mạng. Quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, trong đó nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật an ninh mạng đã dành 01 chương (Chương III) quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.
Chương IV của Luật an ninh mạng tập trung quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trọng tâm là các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, quy định rõ các nội dung triển khai, hoạt động kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức này. Cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế cũng là một trong những đối tượng được bảo vệ trọng điểm. Với các quy định chặt chẽ, sự tham gia đồng bộ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân, việc sử dụng thông tin để vu khống, làm nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ được xử lý nghiêm minh. Các hoạt động nghiên cứu, phát triển an ninh mạng, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng, nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng được quy định chi tiết trong Chương này.
Hiện nay, dữ liệu của nước ta trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích lợi nhuận mà Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật. Để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật an ninh mạng đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của công tác bảo vệ an ninh mạng. Chương V Luật an ninh mạng đã quy định đầy đủ các nội dung bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng, xác định lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về an ninh mạng.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng được quy định rõ trong Luật an ninh mạng, tập trung vào trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành chức năng, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện đồng bộ các biện pháp được phân công để hướng tới một không gian mạng ít nguy cơ, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, được đa số Đại biểu Quốc hội tán thành, nhưng do đây là đạo luật có quy định về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý trực tiếp các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng nên vẫn còn có những ý kiến băn khoăn về nội dung Luật. Một số đối tượng chống đối đã có hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc với những luận điệu như “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”. Đây là những thông tin hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh mạng. Luật an ninh mạng không có những quy định nêu trên, không tạo rào cản, không tăng thủ tục hành chính, không cấp giấy phép con và không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của các tổ chức, cá nhân./.
Luật an ninh mạng là công cụ cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia trước sự phát triển nhanh chóng của mạng internet và các trang mạng xã hội!
Luật an ninh mạng thông qua là hoàn toàn đúng và cấp thiết nó giúp chúng ta phòng ngừa, đấu tranh xử lý trực tiếp các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng
Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật an ninh mạng. Do vậy tôi ủng hộ Luật này.
Nội dung chính của Luật An ninh mạng của các nước, tuy khác nhau về tên gọi, song đều muốn cải thiện tình hình an ninh thông tin của chính phủ, cơ quan công quyền, các doanh nghiệp, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân khi ở trong môi trường mạng toàn cầu.
Luật An ninh mạng là công cụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh.
Đọc bài này thấy các phương tiện truyền thông chính thống và các tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Luật An ninh mạng đến đông đảo cán bộ, nhân dân. Từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, làm cơ sở nâng cao sức đề kháng trước sự xuyên tạc của các thế lực phản động, bất mãn xung quanh vấn đề ban hành luật này.
Số liệu mới nhất của Cục An ninh mạng cho thấy, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đã phát hiện 2.769 trang/cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia, trong đó có 35 trang/cổng thông tin điện tử thuộc quản lý của các cơ quan Đảng, Nhà nước bị tấn công, thay đổi giao diện, chiếm quyền điều khiển, chỉnh sửa nội dung. Vì vậy, Luật An ninh mạng ra đời là cần thiết và là công cụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh.
Cục An ninh mạng nhận định: Tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; làn truyền thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân… diễn ra tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm hại nghiêm trọng. Vì vậy, Luật an ninh mạng ra đời là hết sức cần thiết
Theo tôi và mọi người dân Việt Nam thì việc ban hành Luật An ninh mạng rất cần thiết, bởi theo Cục An ninh mạng (Bộ Công an) hiện nay mỗi năm nước ta đang phải đối phó với hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, đe doạ trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gây tổn hại nặng nề về kinh tế.
Cái gì cũng có luật của nó. An ninh mạng cũng vậy. Luật an ninh mạng cần phải được tuân theo một cách nghiêm chỉnh để tránh những sự việc không mong muốn xảy ra đối với cá nhân mỗi người và nghiêm trọng hơn là đối với đất nước.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc ban hành Luật An ninh mạng. Bởi Luật An ninh mạng sẽ bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng.
Cảm ơn tác giả đã cung cấp những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng để chúng ta hiểu và thực hiện, góp phần đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, bác bỏ Luật mà bọn phản động và bọn tội phạm thường rêu rao trong những ngày qua!.