NGUYÊN ANH THÊM MỘT LẦN TRÁO TRỞ

Mới đây, trên nhiều diễn đàn phản động đã đồng loạt tán phát bài viết “Đã vi phạm nhân quyền mà còn đòi làm cha thiên hạ” của Nguyên Anh. Trong đó, Y đã lợi dụng việc Việt Nam tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam; đồng thời thể hiện quan điểm chống đối Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Bài viết này một lần nữa cho thấy bộ mặt phản trắc, chống Cộng điên cuồng của Nguyên Anh.

1. Thành tựu nhân quyền ở Việt Nam là không thể phủ nhận

Trái với những luận điệu xuyên tạc của Nguyên Anh, thực tế chứng minh Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong điều kiện tác động đa chiều của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Trong hơn 35 năm đổi mới, nước ta đã thu được nhiều thành tựu trong công tác bảo đảm quyền con người. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, và tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở từ năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2021 còn 4,4%, giảm 0,4% so với năm 2020. Bất bình đẳng theo thước đo hệ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) về tiêu dùng ở mức tương đối thấp trong khu vực ASEAN. Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 hạng 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 02 bậc so với năm 2019, thuộc nhóm trung bình cao. Đặc biệt trong năm 2020 – 2021, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, hàng loạt chính sách an ninh con người, an sinh xã hội được Chính phủ kịp thời ban hành, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, nhất là người nghèo. Gói an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng (năm 2020), gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng (năm 2021) là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đặt lợi ích của người dân lên trên” và “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19. Nhiều nhà lãnh đạo, chính khách quốc tế, các nhà quan sát và du khách đã cảm nhận và đánh giá cao thành tựu nhân quyền tại Việt Nam. Nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt (Mỹ) đã phát biểu trên đài BBC News: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu”. Trang liberationnews.org (Mỹ) thừa nhận, Chính phủ Việt Nam là “Một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế..”. Trang Times of India (Ấn Độ) cho rằng “Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh và quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả mọi người”. Nguyên Anh dù có trắng trợn xuyên tạc đến đâu cũng không thể phủ nhận những sự thực hiển nhiên đó.

2. Ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là sự khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự kiện Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 diễn ra như một tất yếu khách quan; được cộng đồng quốc tế ủng hộ, đánh giá cao. Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền bà Elisabeth Tichy-Fisslberger (Đại sứ Cộng hòa Áo) cho rằng, thông điệp ứng cử của Việt Nam chính là tinh thần các nước cần theo đuổi khi tham gia Hội đồng Nhân quyền. Các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước tại Khóa họp 50 của Hội đồng Nhân quyền bày tỏ ấn tượng với nét đẹp đất nước, con người Việt Nam; đồng thời, hoan nghênh thông điệp ứng cử của Việt Nam. Các quốc gia cũng đề xuất Việt Nam cùng thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các tổ chức khu vực tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cũng như gắn kết Hội đồng Nhân quyền với các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, nhất là trong các lĩnh vực y tế, lao động, môi trường, chuyển đổi số. Điều đó cho thấy, Việt Nam luôn có “chỗ đứng”, có uy tín trên trường quốc tế, được bạn bè khắp năm châu tôn vinh, nể phục. Ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là vinh dự, trách nhiệm và là cơ hội để Việt Nam góp thêm tiếng nói, thể hiện hành động thiết thực, tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh chung nhằm bảo đảm đầy đủ quyền con người của cộng đồng quốc tế. Không phải quốc gia nào cũng có vị thế, uy tín, tiềm lực và sự ủng hộ quốc tế cao khi tự ứng cử vào vị trí này. Cộng đồng quốc tế luôn nhìn nhận Việt Nam là một tấm gương của nghị lực vươn lên trong cuộc đấu tranh giành độc lập, chống áp bức, chiến tranh; về phát triển kinh tế từ xuất phát điểm nghèo nàn, lạc hậu. Hơn hết, Việt Nam luôn là quốc gia đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, mà hầu hết những mục tiêu đó là nhằm bảo đảm nhân quyền – quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Chỉ có những kẻ thiển cận, luôn mang sẵn tư tưởng hằn học, chống đối chế độ như Nguyên Anh mới không chịu nhận ra sự thật hiển nhiên đó. Và đương nhiên, những luận điệu xuyên tạc của y về cái gọi là vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam cũng trở nên trơ trẽn, lạc lõng./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.